0

Rối loạn mất ngủ là gì? | Safe and Sound

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến. Chuyên gia tâm lý cho biết, người bệnh khó vào giấc, ngủ không sâu/khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Định nghĩa rối loạn mất ngủ

Theo chuyên gia tâm lý, mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến bạn khó đi giấc ngủ và/hoặc duy trì giấc ngủ.

Rối loạn này có thể diễn ra trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc lâu dài (mãn tính). Mất ngủ cấp tính kéo dài từ 1 đêm trong vài tuần. Mất ngủ mãn tính xảy ra ít nhất 3 đêm/tuần và trong 3 tháng trở lên.

Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng, mất ngủ cấp tính thường liên quan với lo âu khi thi cử hoặc phỏng vấn việc làm, sự thất bại, sự mất mát, thay đổi cuộc sống, stress… Giai đoạn này thường không nghiêm trọng mặc dù những giai đoạn loạn thần hoặc trầm cảm nặng đôi khi khởi đầu bằng mất ngủ cấp.

Ảnh 1: Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến

Người bệnh mắc chứng mất ngủ dai dẳng thường than phiền khó đi vào giấc ngủ hơn là khó duy trì giấc ngủ. Theo chuyên gia tâm lý, họ chủ yếu than phiền về những cảm giác lo lắng, bất an, những điều đó đã ngăn cản họ rơi vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng, bệnh nhân mô tả có một sự gia tăng bệnh vào những lúc căng thẳng ở công sở hoặc ở nhà và sự thuyên giảm của bệnh trong những kỳ nghỉ.

2. Các loại rối loạn mất ngủ

Theo chuyên gia tâm lý, có 2 loại mất ngủ là:

  • Mất ngủ nguyên phát: Các vấn đề về giấc ngủ không liên quan đến bất kỳ tình trạng hoặc vấn đề sức khoẻ khác.
  • Mất ngủ thứ phát: Rối loạn mất ngủ do tình trạng sức khoẻ (như hen suyễn, trầm cảm, ung thư,...), hoặc sử dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc,...).

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý còn chia mất ngủ ra 4 loại sau:

  • Mất ngủ do khó bắt đầu giấc: Người bệnh khó đi vào giấc ngủ.
  • Chứng mất ngủ do khó duy trì giấc ngủ: Điều này xảy ra khi bạn khó ngủ xuyên đêm, thường tỉnh lại giữa đêm và khó ngủ trở lại, hoặc thức dậy quá sớm.
  • Mất ngủ hỗn hợp: Với kiểu mất ngủ này, bạn vừa khó rơi vào giấc ngủ vừa khó ngủ suốt đêm.
  • Mất ngủ nghịch lý: Khi bạn bị mất ngủ nghịch lý, bạn cảm giác như bạn ngủ ít hơn rất nhiều so với thực tế.

3. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn mất ngủ

Ảnh 2: Người bệnh khó vào giấc và khó duy trì giấc ngủ

A. Lời than phiền chủ yếu là không thỏa mãn về thời lượng và chất lượng của giấc ngủ, phối hợp với 1 (hoặc hơn) các triệu chứng sau:

  1. Khó vào giấc ngủ (với trẻ em, khó vào giấc ngủ khi không có người chăm sóc).
  2. Khó giữ giấc ngủ, đặc trưng là hay thức giấc hoặc khó ngủ lại khi thức giấc. (Ở trẻ em, khó ngủ lại khi không có người chăm sóc).
  3. Thức dậy sớm và không thể ngủ lại.

B. Mất ngủ được chuyên gia tâm lý nhận định là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu rõ rệt, ảnh hưởng xấu đến các chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác.

C. Mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần mỗi tuần.

D. Khó ngủ tồn tại ít nhất 3 tháng.

E. Khó ngủ xảy ra mặc dù bệnh nhân có đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ.

F. Mất ngủ không nằm trong phạm vi một rối loạn ngủ-thức khác (ngủ lịm, rối loạn giấc ngủ do hô hấp, rối loạn nhịp ngủ-thức hằng ngày và rối loạn cận giấc ngủ).

G. Theo chuyên gia tâm lý, mất ngủ không phải là hậu quả của một bệnh thực tổn hoặc một chất (lạm dụng thuốc và ma túy).

H. Nếu có các rối loạn tâm thần khác hoặc bệnh cơ thể phối hợp thì các bệnh này không đủ giải thích cho triệu chứng mất ngủ.

: Rối loạn mất ngủ là gì? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound